Ngày 28/7/2020, Sở Giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HoSE) công bố và trao quyết định niêm yết 132,6 triệu cổ phiếu, chào mừng ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu APH của Tập đoàn An Phát Holdings. Tham dự và chứng kiến lễ đánh cồng phiên giao dịch đầu tiên có đại diện Tập đoàn An Phát Holdings (APH), ông Phạm Hoàng Việt – Phó Chủ tịch Tập đoàn, ông Nguyễn Lê Trung, Phó Chủ tịch Tập đoàn, ông Đinh Xuân Cường – Phó Chủ tịch,Tổng Giám đốc Tập đoàn và đại diện Ban lãnh đạo Sở giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh.
Chiều ngày 24/7, Tập đoàn An Phát Holdings (APH) tổ chức thành công hội thảo “Giới thiệu cổ phiếu APH: Tập đoàn nhựa đầu ngành – Đón đầu xu hướng xanh”. Tham dự Hội thảo, về phía Tập đoàn An Phát Holdings có ông Nguyễn Lê Trung – Phó Chủ tịch HĐQT; ông Đinh Xuân Cường – Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc; ông Phạm Đỗ Huy Cường – Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám Đốc Thường trực, Giám đốc Tài chính và bà Nguyễn Thị Tiện – Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Nội chính; về phía Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM có bà Trần Thị Thùy Linh – Phó Giám đốc Phòng Quản lý và Thẩm định niêm yết cùng hơn 200 nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tại hội thảo, Ban lãnh đạo Tập đoàn An Phát Holdings đã gặp gỡ, tiếp xúc với nhà đầu tư nhằm giới thiệu tiềm năng cổ phiếu APH cũng như chia sẻ thông tin về tình hình kinh doanh, hoạt động và kế hoạch phát triển sắp tới của Tập đoàn trước khi chính thức niêm yết trên sàn giao dịch Sở Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 28/7.
Tập đoàn An Phát Holdings hiện sở hữu ba công ty đang niêm yết đó là Nhựa An Phát Xanh (Mã CK: AAA), An Tiến Industries (Mã CK: HII), CTCP Nhựa Hà Nội (Mã CK: NHH) và nhiều công ty thành viên khác. Qua gần 20 năm hình thành và phát triển, An Phát Holdings đã tạo lập một hệ sinh thái doanh nghiệp khép kín cho phép khai thác tối đa sản phẩm, dịch vụ có sẵn với 15 công ty thành viên.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đinh Xuân Cường – Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings cho biết: “Để cổ phiếu APH có tính thanh khoản cao, rõ ràng, minh bạch thông tin, chúng tôi sẽ chính thức niêm yết mã chứng khoán APH của An Phát Holdings trên sàn HoSE – sàn chứng khoán có quy mô lớn nhất và có quy định niêm yết chặt chẽ. Hi vọng việc niêm yết trên sàn HoSE sẽ giúp chúng tôi mở rộng cơ hội thu hút nguồn vốn và tìm được thêm những đối tác lớn đồng hành trong chặng đường phía trước.”
Niêm yết cổ phiếu trên HoSE là bước đi đầu tiên của Tập đoàn An Phát Holdings trong kế hoạch huy động vốn xây dựng nhà máy nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn đầu tiên tại Việt Nam giúp đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu xanh cho sản xuất cả trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhà máy nguyên liệu phân hủy sinh học hoàn toàn sẽ giúp APH tự chủ đầu vào sản xuất, tiết kiệm khoảng 30% chi phí sản xuất cho công ty con trong khi công ty mẹ có thể hưởng biên lợi nhuận gộp từ 25-30% từ dự án này. Dự kiến nhà máy sẽ khởi công vào đầu năm 2021 tại Hải Phòng, xây dựng trong khoảng 18 tháng, hoàn thiện vào cuối năm 2022, công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm. Khi nhà máy đi vào hoạt động, tỉ trọng dòng sản phẩm nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn được kì vọng tăng từ 10% hiện tại đến 40-50% trong cơ cấu doanh thu bao bì của APH.
Qua phần Hỏi & Đáp của buổi Hội thảo, các nhà đầu tư đã được giải đáp những thắc mắc liên quan đến kế hoạch tăng trưởng, biên lợi nhuận của từng mảng, đặc biệt là kế hoạch triển khai xây dựng nhà máy nguyên liệu phân hủy sinh học hoàn toàn AnBio của APH. Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nhựa sinh học tiếp tục tăng cao trong nhiều ngành nghề, việc xây dựng nhà máy nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn AnBio được xác định là bước đi chiến lược, tạo sự phát triển đột phá cho APH.
Năm 2019, doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất của APH tăng trưởng ấn tượng đạt lần lượt 9.513 tỷ đồng và 712 tỷ đồng, tương đương 19% và 305% so với cùng kỳ năm 2018. Phiên IPO đấu giá thành công 4,3 triệu cổ phiếu, tương đương 3% cổ phần đã giúp APH thu về 215,08 tỷ đồng. Sau IPO, công ty được định giá hơn 6,600 tỷ đồng.
Trong năm 2020, APH dự kiến phát hành 20 triệu cổ phiếu mới, tương đương 14% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. APH cũng đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ròng đạt 12.000 tỷ đồng và 650 tỷ đồng. Về dài hạn, động lực tăng trưởng của APH sẽ đến từ dòng sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn thông qua đầu tư vào dự án nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn AnBio. Nhu cầu cho dự án nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn AnBio của APH là hơn 70 triệu USD. Kế hoạch trong năm 2020, APH sẽ hoàn thành việc huy động 80% lượng vốn cần thiết, phần còn lại sẽ huy động trong năm 2021 chủ yếu dưới hình thức vay thương mại hoặc trái phiếu trơn.
Với việc mở rộng quy mô sản xuất, dự báo dòng tiền tăng trưởng khả quan, ổn định, thông tin minh bạch và lịch sử tín dụng tốt, Tập đoàn kỳ vọng sẽ tìm được nhà đầu tư chiến lược song hành trong thời gian sắp tới.
Theo báo cáo độc quyền của Marketandmarkets được đăng lại trên Bloomberg mới đây, thị trường bột đá CaCO3 sẽ tăng trưởng đột biến, đặc biệt trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 trên toàn cầu và nhiều ngành nghề lĩnh vực được dự báo sẽ suy thoái, thị trường Canxi cacbonat (CaCO3) toàn cầu được dự đoán sẽ đạt xấp xỉ 28,3 triệu đô vào năm 2024. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kép tương đương 6% trong giai đoạn 2019-2024. Theo báo cáo, cơ hội hấp dẫn đến từ thị trường Canxi cacbonat có thể lí giải từ một số nguyên nhân sau đây:
Ngành công nghiệp nhựa sẽ là ngành đạt tăng trưởng nhanh nhất trong giai đoạn sắp tới, kéo theo nhu cầu sử dụng CaCo3
CaCO3 là nguyên liệu không thể thiếu trong ngành công nghiệp nhưa. Về mặt giá trị, nhựa là ngành công nghiệp được dự báo phát triển nhanh nhất trong giai đoạn trên. Điều này là do nhu cầu tăng mạnh của ngành công nghiệp sản xuất ô tô. Theo đó, polypropylene được gia cố bằng CaCO3 sẽ giúp tăng cường tính chất của nhựa, đồng thời cải thiện khả năng tản nhiệt.
Nhu cầu sử dụng nhựa trong các ngành khác như công nghiệp bao bì, xây dựng, điện tử cũng gia tăng đáng kể. Những yếu tố kể trên thúc đẩy sự tăng trưởng nóng của thị trường CaCo3 toàn cầu.
Châu Á Thái Bình Dương gia tăng nhu cầu sử dụng CaCO3
CaCO3 là một nguyên liệu quan trọng trong ngành công nghiệp sản xuất giấy và nhựa. Sự tăng trưởng nhanh mạnh ở các nước đang phát triển tại khu vực châu Á Thái Bình Dương cũng kéo theo sự gia tăng trong nhu cầu sử dụng bao bì giấy. Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Nam Á là những nước tiêu thụ giấy lớn nhất trong khu vực.
Bên cạnh đó, khu vực châu Á Thái Bình Dương đang chứng kiến nhu cầu cao về nhựa sử dụng trong các ngành nghiệp bao bì, ô tô, xây dựng, điện & điện tử… Việc sử dụng nhựa giúp giảm chi phí trong ngành đóng gói và xây dựng, giảm trọng lượng cho các bộ phận ô tô và làm chất cách điện trong các sản phẩm điện tử kéo theo nhu cầu sử dụng CaCO3 trong khu vực.
CaCO3 có những ứng dụng tiềm năng
Hiện nay, CaCO3 được sử dụng chủ yếu trong ngành công nghiệp giấy, nhựa, sơn, chất kết dính & keo. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu đang tiếp tục khám phá ra những ứng dụng mới của nguyên liệu này. Hạt nano canxi cacbonat hiện đang được nghiên cứu trong y học, dược phẩm nhằm điều trị ung thư.
Đặc biệt, các vật liệu dựa trên CaCO3 có đặc tính phân hủy sinh học. Phát triển sản phẩm phân hủy sinh học đang trở thành xu hướng toàn cầu do vậy tiềm năng cho thị trường tiêu thụ CaCO3 là rất lớn.
Tại Việt Nam, CTCP An Tiến Industries, thành viên của Tập đoàn An Phát Holdings là một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam chuyên cung cấp nguyên liệu phụ gia nhựa, bột đá siêu mịn CaCO3. Với 2 nhà máy công suất sản xuất lên đến hơn 200.000 tấn/năm, sản phẩm của An Tiến Industries hiện đã được xuất khẩu sang 62 quốc gia, vùng và lãnh thổ trên thế giới. Vừa qua, An Tiến Industries đã vinh dự đứng thứ nhất trong Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2020.
An Phát Holdings – một trong 5 công ty sở hữu bằng sáng chế về nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn trên thế giới hiện cũng đang triển khai kế hoạch xây dựng nhà máy nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn AnBio. Dự kiến nhà máy sẽ khởi công vào đầu năm 2021 tại Hải Phòng, xây dựng trong khoảng 18 tháng, hoàn thiện vào cuối năm 2022, công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm với vốn đầu tư gần 1.500 tỷ. Trong tương lai, An Phát hướng đến trở thành Tập đoàn nhựa kĩ thuật cao và thân thiện với môi trường hàng đầu Đông Nam Á.
Hà Nội, ngày 21 tháng 05 năm 2020 CTCP An Tiến Industries (Mã chứng khoán: HII) vinh dự lọt Top 1/500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500) năm 2020, vượt 4 bậc so với năm 2019 (5/500).
Năm 2019, An Tiến Industries có kết quả kinh doanh vượt trội, với doanh thu đạt 4.632 tỷ đồng, vượt 54,4% kế hoạch năm.
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất hạt phụ gia nhựa và bột đá siêu mịn, qua hơn một thập kỷ trưởng thành và phát triển, An Tiến Industries hiện là nhà sản xuất hạt nhựa phụ gia lớn thứ 2 Việt Nam, với 2 nhà máy sản xuất hiện đại tại Yên Bái. Sản phẩm của An Tiến Industries được xuất khẩu sang 62 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Mục tiêu năm 2020, An Tiến Industries sẽ đạt 3.300 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 60 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, tăng trưởng 11% so với năm 2019. Đồng thời An Tiến Industries sẽ tiếp tục đầu tư máy móc, dây chuyền, mở rộng sản xuất tại nhà máy, đặt trọng tâm nâng cấp sản xuất nguyên liệu nhựa kỹ thuật (compound), triển khai liên doanh làm các sản phẩm trung cấp và cao cấp.
An Tiến Industries là công ty thành viên của Tập đoàn An Phát Holdings – Tập đoàn tiên phong trong lĩnh vực sản xuất nhựa kỹ thuật cao và thân thiện với môi trường hàng đầu tại Đông Nam Á, với hơn 4000 nhân viên. Hiện An Phát Holdings là doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu bao bì màng mỏng số 1 Đông Nam Á. Bên cạnh đó Tập đoàn tập trung phát triển mạnh dòng sản phẩm và nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn AnBio, các sản phẩm nhựa kỹ thuật cao phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ.
Bảng xếp hạng FAST500 nổi tiếng với việc đưa ra các báo cáo hàng năm về Top các doanh nghiệp lớn nhất. Các doanh nghiệp tham gia được sắp xếp dựa trên tiêu chí tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu và hiệu quả kinh doanh cùng các tiêu chí như tổng tài sản, tổng lao động, lợi nhuận sau thuế và uy tín doanh nghiệp trên truyền thông.